-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Đã từ lâu tại Tp.Hồ Chí Minh, bà con họ Đỗ (Đậu) rất mong muốn có một nơi quy tụ sinh hoạt dòng họ để tưởng nhớ tổ tiên cội nguồn, rất mong có một tổ chức để tập hợp bà con lại, để có những hoạt động thiết thực đối với dòng họ.
Năm 1997 trong một lần ra Hà Nội, cụ Đỗ Hữu Nhân đến thăm cụ Đỗ Ngại công tác ở Bộ Ngoại Giao, trong lúc nói chuyện dòng họ mình, cụ Đỗ Ngại cho biết ở Hà Nội có cụ phó giáo sư Đỗ Tòng cũng đang có ý định vận động thành lập một tổ chức mang tên họ Đỗ (Đậu) Việt Nam để quy tụ bà con họ Đỗ (Đậu) hướng về tổ tiên cội nguồn làm việc nghĩa cho tổ tiên và xã hội, phấn khởi quá, ngày hôm sau 2 cụ cùng nhau đi gặp cụ Đỗ Tòng, chí lớn gặp nhau tay bắt mặt mừng, cụ Đỗ Tòng kể về ý tưởng cao đẹp của bà con họ Đỗ (Đậu) cả nước và cụ đã đề nghị cụ Đỗ Hữu Nhân về Tp.HCM tập hợp bà con họ Đỗ (Đậu) lại để thành lập một tổ chức ở Tp.HCM và phía Nam.
Trở về Tp.HCM, cụ Đỗ Hữu Nhân như mở cờ trong bụng, cụ tin rằng mình đã đi đúng hướng, gặp đúng người, bây giờ chỉ còn hành động thôi. Cụ nghĩ muốn vận động được bà con, mình phải có cơ sở, phải có tư liệu về dòng họ mới thuyết phục, thế là ngay trong năm đó (1997) hàng ngày cụ đến Thư viện Tổng hợp Tp.HCM tìm tòi, ghi chép tư liệu. Rất may mắn như được tổ tiên phù hộ, đến thư viện cụ đã gặp người cùng họ Đỗ là cụ Đỗ Văn Anh cán bộ thư viện (hiện nay cụ đã mất), thấy cụ Nhân có tấm lòng với dòng họ, cụ Anh đã giúp đỡ cung cấp nhiều tài liệu quý về dòng họ cho cụ cả bằng tiếng Việt Nam và cả tiếng nước ngoài.
Cũng trong năm đó một lần đang tìm tư liệu ở thư viện, cụ Đỗ Hữu Nhân cũng gặp cụ Đỗ Văn Tập đến thư viện tìm tư liệu về dòng họ Đỗ (Đậu), từ đó hai cụ gặp nhau tâm đầu ý hợp thường kể cho nhau nghe về ý tưởng thành lập một tổ chức của dòng họ ở Tp.HCM, và sau đó không lâu cụ Đỗ Văn Tập rủ thêm người bạn là cụ Đỗ Thiện Dương ở quận Gò Vấp Tp.HCM cùng tham gia làm việc nghĩa.
Các cụ Đỗ Văn Tập, Đỗ Hữu Nhân và Đỗ Thiện Dương trong quá trình ghi chép, biên soạn phả hệ của dòng họ mình đã bỏ công sưu tầm, truy nguyên nguồn gốc về Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và trở thành bộ ba “Tam Đỗ đồng hành, truy tầm phả hệ”, vang tiếng một thời trong lòng bà con họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM cho đến ngày nay.
Thế là Ban Liên Lạc khởi đầu có 3 cụ:
Có thêm sức mạnh, cụ Đỗ Hữu Nhân trăn trở, tìm hiểu và nghĩ cách tiếp cận bà con, cụ lật giở từng trang cuốn niên giám điện thoại, ghi ghi chép chép địa chỉ và số điện thoại của những người mang họ Đỗ (Đậu), cụ viết thư ngỏ gửi bưu điện tới hơn 200 người ở khắp nơi rồi chờ đợi.
Năm 1997 ngày đó đất nước còn nhiều khó khăn, cuộc sống chưa được sung túc như bây giờ, phương tiện đi lại để gặp nhau, thông tin điện thoại liên lạc trao đổi của bà con là cả một vấn đề. Nhiều bà con nhận được thư ngỏ của các cụ, nhưng có người tuổi cao sức yếu, nhiều người kinh tế eo hẹp còn phải bươn trải lo cuộc sống nên chưa có điều kiện tham gia được việc họ, nhưng qua một thời gian ngắn, may mắn có hơn 20 người đã viết thư đáp lời, các cụ liền mời mọi người tới trường tiểu học Đức Trí quận Tân bình để họp mặt. Lúc đó kinh phí chưa có gì, phòng họp thì mượn không mất tiền, ngồi họp chỉ với ấm trà và bàn bạc với nhau về ước mơ cao đẹp của giòng họ. Ý tưởng lớn của các cụ đã trùng hợp nhau, sau nhiều lần liên lạc giữa Tp.Hà Nội và Tp.HCM, các cụ đã mang tôn chỉ, mục đích Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam vào Tp.HCM phổ biến cho bà con, ai ai cũng phấn khởi.
Tháng 09 năm 2000, Ban Liên Lạc Họ Đỗ Tp.HCM & Các vùng phụ cận họp và bầu cụ Đỗ Văn Tập làm đại diện, bước đầu Ban Liên Lạc đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc thông tin cho các dòng họ Đỗ ở Tp.HCM và các tỉnh phía nam về tôn chỉ, mục đích và tổ chức hoạt động của họ Đỗ Việt Nam, qua đó xây dựng mối liên hệ, trao đổi, sưu tầm, biên soạn phả hệ cho dòng họ đồng thời gởi tư liệu này cho Ban Liên Lạc Họ Đỗ Việt Nam làm tài liệu, góp phần hoàn thành quyển sách đầu tiên của Họ Đỗ Việt Nam tập 1 đã xuất bản tháng 8 năm 2001.
Từ những kết quả đã đạt được, các thành viên Họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Các vùng phụ cận đã có buổi họp mặt chính thức đầu tiên vào ngày 21/04/2002 tại Trường tiểu học Đức Trí quận Tân Bình, để nhìn lại, đánh giá những hoạt động đã qua và đề ra phương hướng, chương trình cho hoạt động thời gian tới. Cũng trong buổi họp mặt này các cụ đã lựa chọn, tiến cử ra Ban Liên Lạc thường trực với nhân sự mới hơn, trẻ hơn và năng động hơn để tiếp tục việc nghĩa.
Đây là lần thứ nhất họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM chuyển giao thế hệ, việc này có ý nghĩa sâu sắc trong dòng họ.
Ban Liên Lạc gồm 5 vị:
Hoạt động của Ban Liên Lạc không chỉ trong phạm vi Tp.HCM mà còn được phổ biến lan rộng ra các địa phương khác, ngoài Vũng Tàu và Bến Tre đã có đại diện trong Ban liên lạc, còn có các tỉnh khác như: Long an, Cần Thơ, Lâm Đồng, Bình Thuận, Tiền Giang, Đồng Tháp …
Năm 2002, Ban Liên Lạc cùng tham gia đóng góp ý kiến về hình thức và ý nghĩa của biểu trưng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, ngày Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam thống nhất là ngày rằm tháng 2 âm lịch hằng năm, Ban Liên Lạc tiếp tục vận động sưu tầm tư liệu và góp phần viết bài cho quyển sách Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam Tập 2 xuất bản năm 2004 và các Bản tin Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam tiếp theo.
Trên cơ sở thành viên thường trực của Ban Liên Lạc Họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Các vùng phụ cận, ông Đỗ Thành Thưởng đã về Bến Tre tích cực vận động bà con, ngày 01/03/2003 tại huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre với sự hiện diện của lãnh đạo địa phương, Ban Liên Lạc Họ Đỗ (Đậu) tỉnh Bến Tre đã được thành lập gồm 4 thành viên do ông Đỗ Thành Thưởng làm Trưởng Ban.
Cũng năm 2003, cuộc họp mặt ngày 27/04, Ban Liên Lạc Họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Các vùng phụ cận bổ sung thêm ủy viên mới là ông Đỗ Thế Tản, sinh năm 1949 quê ở Kiến Thụy – Hải Phòng, lúc đó ông là bác sỹ bệnh viện 30/4 Tp.HCM.
Luật sư Đỗ Hữu Hằng là vị trưởng Ban Liên Lạc trẻ. Ông rất năng nổ, hết lòng vì dòng tộc, năm 2004 ông có một địa chỉ tin cậy mà Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đã thông báo với bà con cô bác: “Ai là người họ Đỗ (Đậu) Việt Nam vào Sài Gòn, không may bị mất giấy tờ tiền bạc, muốn trở về địa phương, xin mời đến nhà ông ở số 163/8 đường Huỳnh Văn Bánh, Phường 12, Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh” sẽ được giúp đỡ hết lòng, đây là một địa chỉ: “NHÂN VĂN và THÁNH THIỆN”, đến bây giờ bà con vẫn còn nhắc tới.
Năm 2006, trong buổi họp mặt ngày 11/03 tại Trung Tâm Văn Hóa Quận Phú Nhuận, Ban Liên Lạc Họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Các vùng phụ cận đã bổ sung thêm các thành viên mới như sau:
Từ đó Ban Liên Lạc có thêm thành viên mới có thêm sức mạnh mới, Tôn Chỉ Mục Đích của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam ngày càng được phổ biến rộng khắp tới bà con ở các quận, các huyện, các đơn vị, và các tổ chức trong Tp.HCM mà có người họ Đỗ (Đậu) làm việc.
Ngày 19/05/2006, Ban Liên Lạc đã tổ chức ra mắt Ban Liên Lạc Họ Đỗ (Đậu) Trường cao đẳng Cảnh sát Nhân dân II (quận Thủ Đức – Tp.HCM) do Trung Tá Đỗ Duy Chinh (sinh năm 1954) làm Trưởng Ban trực thuộc Ban Liên Lạc họ Đỗ Tp.HCM & Các vùng phụ cận (nay ông Chinh là đại tá – Phó chủ tịch Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Phía nam).
Năm 2007, Ban Liên Lạc họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Các vùng phụ cận cử ông Đỗ Hữu Hằng – trưởng Ban Liên Lạc làm đại diện tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Liên Lạc Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam (04/1997-04/2007) được tổ chức ngày 08/04/2007 tại Hà Nội.
Năm 2010 và 2011, Ban Liên Lạc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Tộc Ước Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam do cố luật sư Đậu Công Tuệ phụ trách biên soạn, sau đó bản Tộc Ước này đã được ban hành năm 2012.
Ngày 25/03/2011, Ban Liên Lạc họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đổi tên thành Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, cũng năm đó theo sự thống nhất của Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, Ban Liên Lạc Họ Đỗ Tp.HCM & Các vùng phụ cận đổi tên thành Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Vùng phụ cận, đồng thời luật sư Đỗ Hữu Hằng trưởng Ban Liên Lạc được tiến cử là phó chủ tịch Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam kiêm chủ tịch Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Vùng phụ cận và ông Đỗ Văn Dũng là phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam phụ trách khu vực Nhật bản, Hàn quốc và Bắc Triều tiên theo quyết định số 02/QĐ/HĐDH, ngày 25/3/2011 do Chủ tịch Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam Đỗ Ngọc Liên ký.
Ngày 04/03/2012, Hội Đồng đã tổ chức họp mặt giao lưu giữa Họ Đỗ (Đậu) Tp.HCM & Vùng phụ cận với Họ Đỗ (Đậu) Quảng Nam – Đà Nẵng tại quận Tân Bình, nhân dịp Tiến sỹ Đỗ Đình Chiểu vào thăm Tp.HCM.