Di tích và lịch sử

KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG HỌ ĐỖ, THÔN PHẠM KHAM, LẠC HỒNG, VĂN LÂM, HƯNG YÊN

10 January, 2023
Nguồn: Tổng hợp từ bài viết của ông Đỗ Mạnh Hùng C Trong không khí nhộn nhịp, vui vẻ của những ngày giáp tết Quý Mão...ngày  08/01/2023 (tức ngày 17/12/2022 âm lịch) Hội đồng Gia tộc họ Đỗ thôn Phạm Kham đã tổ chức Lễ khánh thành từ đường Đỗ tộc Phạm Kham. Tới dự có lãnh đạo địa phương, Hội đồng họ Đỗ lâm thời tỉnh Hưng Yên và các chi họ Đỗ địa phương. Đặc biệt, có sự hiện diện của đoàn đại biểu của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam do ông Đỗ Văn Kiện - Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu và các ông Đỗ Văn Hiện - PCT thường trực Hội đồng, ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại & Đầu Tư Họ Đỗ(Đậu), bà Đỗ Thị Thu Hiền - Chánh văn phòng TTXTTM & Đầu Tư họ Đỗ(Đậu)..... cùng đông đảo con cháu trong họ: trai, gái, dâu, rể từ khắp các tỉnh thành trong cả nước về dự. Từ đường nằm ở vị trí rất thuận tiện về giao thông đi lại và nằm sát nhà Văn hoá thôn, cách QL5 khoảng 700m. Bản đồ chỉ đường: https://goo.gl/maps/GqL2kXgYFrgNoZ687 Công trình được xây dựng từ tháng 5/2022, được nhóm thợ tay nghề cao, chuyên xây dựng nhà thờ, thi công ngày đêm, hoàn thành vào dịp năm mới 2023, kịp đón Tết âm lịch. Ngôi từ đường có hai tầng. Tầng 1 để hội họp, lễ hội, liên hoan... Tầng 2 là nhà thờ, được thiết kế 3 gian thờ: gian giữa thờ tổ tiên dòng họ, bên trái thờ thổ công, thần linh, bên phải thờ các anh hùng liệt sỹ của dòng họ. Toàn bộ nhà thờ có kết cấu bê tông cốt thép chắc chắn. Mái nhà được lợp bằng ngói giếng đáy Quảng Ninh, trong nhà được sơn giả gỗ rất tinh xảo. Cửa làm bằng gỗ tự nhiên rất đẹp. Ban thờ được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng. Đặc biệt, Nhà thờ được xây trên mảnh đất vốn trước kia là đất của cụ tổ họ Đỗ thôn Phạm Kham. Điều đó, càng làm cho con cháu cảm thấy thân thuộc, vui mừng và tự hào hơn. Buổi lễ diễn ra thành công tốt đẹp. Cuối buổi mọi người cùng nhau nâng chén rượu nếp thơm của họ Đỗ và chúc nhau, chúc dòng họ đoàn kết, mạnh khoẻ, thành công. Kết thúc liên hoan, Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Vn, tranh thủ họp nhanh về công tác chuẩn bị thành lập chính thức Hội đồng họ Đỗ tỉnh Hưng Yên. Các thành viên dự họp đều vui mừng và quyết tâm hoàn thành các công việc tiếp theo để có thể ra mắt Hội đồng họ Đỗ tỉnh Hưng Yên trong năm 2023. Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi lễ khánh thành:

LỄ AN VỊ TỔ TIÊN VÀ CÁC VỊ TIỀN HIỀN TẠI NHÀ THỜ TỔ HỌ ĐỖ(ĐẬU) - TP HCM & PHÍA NAM

26 December, 2022
Ngày 22/12/2022 (tức ngày 29/11/ Nhâm Dần), Hội Đồng Đỗ(Đậu) Thành Phố Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức LỄ AN VỊ TỔ TIÊN VÀ CÁC VỊ TIỀN HIỀN TẠI NHÀ THỜ TỔ HỌ ĐỖ(ĐẬU) - KHU VỰC TP.HCM & PHÍA NAM Địa chỉ tại: 11A,  Đường Số 4, Long Phước, Thành Phố Thủ Đức .  Buổi lễ được diễn ra long trọng, thắm tình dòng tộc của đông đảo bà con  đến từ nhiều vùng miền của đất nước. Với tâm huyết, công đức rất lớn lao của Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký hội đồng họ Đỗ(Đậu) Việt Nam - Ông Đỗ Văn Trắc và toàn thể bà con họ dòng họ nói chung, đặc biệt là bà con khu vực phía Nam nói riêng...công trình đã được hoàn thành với quy mô rất to, đẹp! Được bài trí rất nhiều vật phẩm nội, ngoại thất rất quý giá và  trang trọng!! Nơi đây sẽ góp phần lớn lao trong việc giữ gìn văn hóa lịch sử, tâm linh, xây dựng tình đoàn kết của dòng họ Đỗ(Đậu) Dưới đây là một vài hình ảnh trong buổi nghi lễ:                                 Ông Đỗ Văn Trắc - Phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký hội đồng họ Đỗ(Đậu) Việt Nam  - Chủ tịch hội đồng họ Đỗ(Đậu) TP.HCM trong trang phục nghi lễ

HƯƠNG VÂN CÁI BỒ TÁT - ĐỖ QUÝ THỊ

26 December, 2022
Nguồn tác giả: Hòa Đỗ Đạo Sa Môn Phật Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát sống cách chúng ta 5.000 năm. Thời gian đã quá lâu, nhưng " Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư", " Bách Việt Tộc Phả", những bộ sách có từ thời Đinh lại chép khá kỹ về bà, đủ thấy bà là một phụ nữ có vị trí rất quan trọng trong lịch sử người Việt cổ. Nhờ tiếp cận những sách này chúng ta mới biết bà là người họ Đỗ, tên huý là Ngoan, còn gọi là công chúa Đoan Trang, hay gọi theo họ là Đỗ Quý Thị (tức Quý bà họ Đỗ). Chính sử gọi bà là Vụ Tiên (tên một chòm sao trên trời). Bà sinh ngày mồng tám tháng tư và hoá (mất) ngày rằm tháng bảy. Bà là vợ vua Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết), sinh ta Lộc Tục (sau là Kinh Dương Vương). Ở địa vị cao như vậy, nhưng cuộc đời bà không ít thăng trầm. Bị chồng ruồng rẫy bà không hề oán hận, mang con nhỏ vào tu ở động Tiên Phi (Hòa Bình). Khi đất nước có giặc ngoại xâm lại động viên con ra trận đánh giặc. Khi con lên ngôi vua tự xưng là Kinh Dương Vương (khoảng năm 2879 TCN), đón mẹ về kinh đô thì không ham phú quí, vẫn toàn tâm, toàn ý tu hành đến trọn đời, nêu tấm gương sáng cho cả nước trong thời dựng nước. Đạo của Bà được gọi là Sa Môn Giáo là quốc đạo của nước ta khi ấy. Theo các vị trưởng tộc họ Nguyễn ở Đại Lôi truyền lại, thì đạo Sa Môn nghĩa là nhiều và hiền như cát trên sông không thể đo đếm được. Cũng ví như lòng từ bi, độ lượng trong lòng người khắp thế gian. Nếu toàn xã hội có ý hướng thiện thì chắc chắn sẽ có một xã hội tốt đẹp. Bản ý của Bà muốn toàn dân hướng tới đạo của mình là như vậy. Tên Hương Vân Cái Bồ Tát có từ thời Lý, là do các vị Tộc trưởng họ Nguyễn Đại Lôi, những người được thay mặt triều đình thờ cúng Tổ tiên chung của cả nước, dùng để chỉ một bà mẹ có tấm lòng thơm thảo ở vùng Vân Lôi (Từ cái trong tiếng Việt còn có nghĩa là to lớn, quan trọng như trống cái, cột cái, sông cái). Nơi có ngôi chùa Đại Bi có từ thời dựng nước, là nơi bà bà cùng 12 vị tiên nàng tu tập và hành đạo, giáo hoá dân chúng. Chùa đã bị hỏng vào khoảng nửa đầu thế kỷ trước. Đất chùa dần bị lấn chiếm làm nhà, đến nay chỉ còn xót lại miếu và mộ của bà, năm vừa qua mới được nhà nước công nhận di tích. Tượng thờ bà được chuyển về thờ ở chùa Vân La (Đăng Vân Tự) đã không giữ được, nay chỉ còn ảnh chụp. Theo các Tộc trưởng họ Nguyễn Đại Lôi, tên hiệu đức Phật Thích Ca cũng có từ thời Lý, dùng để chỉ Hương Vân Cái Bồ Tát. Bởi thế dân gian có câu: "Hộ Pháp thì một quan ba. Long Thần chín rưỡi, Thích Ca ba tiền". Đây là cách nói lái ba tiền - tiên bà, ẩn dụ Thích Ca chính là Tiên Bà, chứ không có nghĩa Thích Ca gíá rẻ hơn Long Thần, Hộ Pháp. Khi đạo Phật từ Ấn Độ truyền vào nước ta, đạo Sa Môn cũng gọi là đạo Phật. Cả hai Đạo có nhiều nét tương đồng. Hương Vân Cái Bồ Tát khởi xướng đạo Sa môn trước, nên khi vào vào chùa câu đầu tiên Phật tử phải bạch vị Bồ Tát này trước. Đó là câu đầu tiên (Tán lư hương) trong các bộ kinh cổ của nước ta, nguyên văn như sau: Lô hương sạ nhiệt, Pháp giới mông huân, Chư Phật hải hội tất diệu văn, Tùy xứ kiết tường vân, Thành ý phương ân, Chư Phật hiện toàn thân. Nam-mô Hương-Vân-Cái Bồ-Tát ma-ha-tát (3 lần) Nghĩa là: Lò hương vừa đốt lên, xông khắp cùng pháp giới. Chư Phật các pháp hội gần xa thảy đều nghe. Chốn chốn kết mây lành. Tâm chí thành dâng cúng. Chư Phật hiện toàn thân. Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát (3 lần). Là Phật đã hiển hóa ở tầng thứ cao, nhưng trước hết Hương Vân Cái Bồ Tát là một người phụ nữ tài đức vẹn toàn. Họ Nguyễn Vân ở làng Vân Nội vẫn cúng giỗ Tổ bà hằng năm với bài văn cúng: "Thỉnh tổ tổng khoa- Cúng gia tiên". Câu mở đầu như sau: Hương yêu liêu nhiễu, tản cái vinh la, tằng tằng hóa vãng cửu liên - hoa, xứ xứ thị Di Đà. Chúng vọng biến đa, Đài sơn chỉ lộ Bà. Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát. (ba lần) Nghĩa là: Hương khói vờn quanh, tàn lọng chen, Tầng tầng hóa vãng chín đài sen Nơi nơi chầu vọng Di Đà Phật, Chỉ nẻo Đài Sơn, Mẹ chiếu đèn (mẹ soi sáng) Nam Mô Hương Vân Cát Bồ Tát Ma Ha Tát.! (3 lần)Đạo Sa Môn của Nam Mô Hương Vân Cát Bồ Tát lúc đầu chỉ là đạo tu thân, tích thiện và thờ cúng tổ tiên, rồi được cả xã hội noi theo. Ngày nay thờ cúng tổ tiên hiện diện ở tất cả các gia đình Việt Nam. Toàn xã hội coi việc tu thân, tích thiện không chỉ dành cho các nhà tu, mà là cả cộng đồng, như câu dân gian thường nói; "Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Trên phương diện Quốc gia cả nước việc tôn thờ các vị vua, hoàng hậu có công khai sáng, lập nước và giữ nước đã thành truyền thống. Viết về Phật Mẫu Hương Vân Cát Bồ Tát không thể không nói về tám người em trai của bà là Bát Bộ Kim Cương. Nhưng bài đã dài hẹn các vị dịp khác. Tuy nhiên tôi đăng kèm theo đây bức minh họa Phật Mẫu Mô Hương Vân Cát Bồ Tát & Bát Bộ Kim Cương của nhà giồng được, để các vị phần nào hình dung ra tám ông Tổ họ Đỗ xa xưa nhất được biết đến nay. Khác với tượng Bát Bộ Kim Cương trong các chùa, các vị ở đây được thể hiện là những văn quan, võ tướng phò tá Quốc mẫu Vụ Tiên Nương và Quốc vương nước Xích Quỉ là Đệ nhất Quảng giáo Kinh Dương Vương. TB: Phúc đức tại mậu ! Nhân ngày truyền thống phụ nữ chúc các bà, các mẹ noi theo truyền thống cội nguồn của Phật Mẫu, thì gia đình, xã hội được nhờ lắm lắm.  

ĐỖ BÁ CÔNG ĐẠO NGƯỜI VẼ BẢN ĐỒ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM

08 June, 2022
ĐỖ BÁ CÔNG ĐẠO NGƯỜI VẼ BẢN ĐỒ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM Đỗ Bá Công Đạo, còn có tên là Đỗ Công Luận, người làng Bích Triều, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nay thuộc chi họ Đậu Cẩm Nang ở xã Thanh Mai, Thanh Chương, Nghệ An. Ông là người phóng khoáng, thích giao du. Là giám sinh nhưng ông không học theo khuôn khổ của trường Giám, mà tìm thầy giỏi học tư và tự học, rồi đi thi hội lọt được 02 trường. Tuy chưa đỗ tiến sĩ, nhưng người đời vẫn khen ông là người hay chữ. Ngoài ra Đỗ Công Đạo còn tinh thông môn địa lý phong thuỷ, truyền dạy được nhiều học trò giỏi. Sách Tang thương Ngẫu lục của Phạm Đình Hổ có chép truyện giám sinh Đậu Công Bàn, hậu duệ của ông rất giỏi địa lý phong thuỷ, đã điểm huyệt phát tướng cho gia tộc Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh. Gia phả họ Đậu ở Cẩm Nang ghi: "Đậu Công Luận thi trúng giám sinh vào năm đầu niên hiệu Dương Đức, đời Lê Gia Tông (1672), sau được bổ làm tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan triều Nam... phần chép các kỳ tích của tổ tiên có chép rõ hơn " Họ ta xưa có Đỗ Bá, tự Công Luận hoặc Công Đạo, tuổi trẻ đã đậu Hương giải, triều đình gia ơn cho làm giám sinh, nhưng ông không lấy làm mừng. Ông lại là ấm Tử, được bổ làm Tri huyện, huyện Thạch Hà, ông cũng không muốn làm quan. Ông thường than rằng: Nước ta liền cõi Chiêm Thành, trước kia hàng năm bị xâm lấn, có lần giặc đã vào chợ Phuống, giết người cướp của, thậm khổ". Trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc Việt đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược của phong kiến phương bắc và quấy phá của giặc Chiêm Thành từ phương nam, Kinh thành Thăng Long đã nhiều lần bị giặc Chiêm đốt phá, cướp bóc. Chủ quyền của Quốc gia là thiêng liêng. Vua Lê Thánh Tông đã từng nói một câu rất nổi tiếng về chủ quyền quốc gia: "Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được. Nếu kẻ nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ để làm mồi cho giặc thì người đó sẽ bị trừng trị nặng" Là người yêu nước, Đỗ Bá Công Đạo không cam tâm nhìn giặc nước hoành hành, ông mong muốn tìm ra phương sách giữ gìn và phát triển đất nước. Thực hiện mục đích của mình, vào khoảng thời Chính Hoà (1680-1705), ông từ quan. Sau khi bỏ quan phục, ông mặc quần áo dân thường, giả dạng làm người khách buôn sông Lam, vượt biển Thuận Quảng (nay là giải đất từ Quảng Bình đến Phú Yên), qua các nước Chiêm Thành, Chân Lạp xem xét hình thế núi sông, đường biển xa gần. Trải qua bao gian nan, nguy hiểm rình rập tính mạng khi thám sát vùng đất lạ , nhưng ông không nhụt chí, sờn lòng. Sau nhiều cuộc hải hành suốt một dải miền trung vaò miền nam ông đã bí mật khảo sát và vẽ thành bản đồ các xứ từ Thuận Quảng trở vào. Công trình hoàn thành ông lại mang lên Kinh thành vào ra mắt Chúa Trịnh, hiến kế nam chinh để trừ hoạ cho đất nước. Chúa Trịnh Căn rất mừng, mang bản đồ cất đi, lại trưng dụng ông soạn vẽ cho "Tứ chí Lộ đồ." Tập "Tứ chí Lộ đồ" do ông vẽ và biên tập, theo chúng tôi tổng kết có: 53 phủ, 181 huyện, 49 châu, 14 làng, 8.992 xã, 205 thôn, 335 trang, 451 sách, 43 sở, 442 động, 41 trại. 67 phường, 10 vạn, 8 nhà, 2 tuần, 1 quan, 2 giác, 15 nguyên, 15 châu. Riêng Thuận- Hoá có 02 phủ, 8 huyện, 4 châu, Quảng- Nam có 3 phủ 9 huyện. Hiện nay trong kho sách Hán- Nôm còn bốn tập bản đồ ghi tên Đỗ Bá Công Đạo. Thường trên bốn chữ Tứ Trí Lộ Đồ có thêm hai chữ An Nam hoặc Toản tập. Một trong bốn quyển đó là quyển " Đường từ phủ Phụng Thiên đến Chiêm Thành" có phần vẽ và chú giải bằng chữ Nôm về hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa ngày nay như sau: ở khu vực Phủ Thăng Hoa và Phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển hình bãi cát kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ với tên gọi Bãi Cát Vàng, lại ghi rõ : "... hai núi, mỗi núi đều có mỏ vàng, có cơ quan tuần sát. Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi- cát -vàng. Dài độ 400 dăm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến biển Sa Vinh, mỗi lần có gió tây nam, thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió đông bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi giạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hoá thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mồi. Ngoài cửa biển Sa Kỳ có một hòn núi, trên núi sản xuất phần nhiều là cây dầu, gọi là Trường dầu, có đặt quan tuần sát..... Nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá, tự Đạo-phụ phủ ở Bích -triều (Thanh Giang) biên soạn." "Tứ chí Lộ đồ" là một tài liệu chính thức của quốc gia. " Bãi Cát vàng" được ông thể hiện trong bộ Lộ đồ phản ánh cương giới xứ Đàng trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI, đã mở rộng ra vùng quần đảo ở Biển Đông. "Bãi Cát vàng" là tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho 02 quần đảo san hô, rồi chuyển sang âm Hán Việt là "Hoàng Sa", "Hoàng Sa chữ". Tên gọi "Hoàng Sa", "Hoàng Sa chữ " được thông dụng trong các văn kiện thời Lê và thời Nguyễn, như trong Đại Nam Thực lục, Đại nam nhất thống chí, Đại nam nhất thống toàn đồ, chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa ngày nay. Đây là một tập tài liệu quí giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Bài viết của Hoàng Lam - Trần Tử Quang. Trên Báo Dân trí TRƯỜNG SA CÁCH ĐÂY 5 THẾ KỶ. Theo bản đồ “Tứ chí lộ đồ” do Đỗ Bá Công Đạo vẽ thì quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa được chú thích là “Bãi cát vàng”, thể hiện cương giới Đàng Trong do Chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI đã mở rộng ra vùng quần đảo ở Biển Đông. Chúng tôi tìm về xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, Nghệ An trong một ngày mưa rả rích. Ngôi nhà thờ của họ Đậu chi Cẩm Nang vẫn im lìm, trầm mặc như vốn có. Đây là nơi thờ tự thủy tổ họ Đậu chi Cẩm Nang - Đậu Công Khâm - và thờ hậu duệ đời thứ 4 của ông là Đậu Công Luận, tên tự là Đậu Bá Công Đạo - người đã vẽ bản đồ quần đảo Trường Sa từ thế kỷ thứ XVII. Tiếp chúng tôi, cụ Đậu Đình Trác (80 tuổi) - thuộc Hội đồng gia tộc họ Đậu chi Cẩm Nang (nay là xóm 2, xã Thanh Giang, Thanh Chương) - cho biết: “Trong gia phả của chúng tôi chỉ ghi cụ Đỗ Công Luận, tên tự là Công Đạo, còn gọi là Đậu Bá Công Đạo (không rõ năm sinh, năm mất) thi trúng giám sinh vào năm đầu niên hiệu Dương Đức đời Lê Gia Tông (1672), sau được bổ làm Tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan Triều nam. Làm quan được 1 năm thì từ quan, cải dạng đi buôn để vào Nam. Cũng không thấy ghi gì đến công trạng của cụ. Chỉ đến khi đoàn nghiên cứu của PGS.TS Trần Bá Chí về đây ăn ở cả tháng trời sau đó công bố kết quả nghiên cứu thì dòng họ Đậu chi Cẩm Nang chúng tôi mới biết được cụ Đậu Công Luận là người có công vẽ nên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỷ thứ 17, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này”. Mặc dù công trạng của Đậu Bá Công Đạo đối với việc xác lập chủ quyền nước ta đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là rất lớn nhưng gia phả dòng họ Đậu không ghi lại một dòng chữ nào về công trạng của ông. “Có thể là vào thời điểm đó, việc vẽ bản đồ có lý do rất đặc biệt, nếu để lộ sẽ bị tru di cửu tộc nên không được phép ghi vào gia phả dòng họ”, ông Trác lý giải. Theo tài liệu sử sách và kết quả nghiên cứu của các học giả, Đậu Công Luận sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh quyết liệt. Chúa Trịnh Tạc, Trịnh Căn đã đánh đuổi được quân Nguyễn lùi vào Nam. Với tham vọng mang đại quân vào Nam lật đổ chính quyền họ Nguyễn, thu phục đất đai biển đảo phía Nam, bởi vậy Chúa Trịnh rất cần bản đồ địa lý Đàng Trong. Năm Chính Hòa thứ 3 (1682), nhà sư Hương Hải trốn thoát từ miền Nam ra Thăng Long đã dâng Chúa Trịnh một tấm bản đồ vẽ vùng Thuận Quảng theo trí nhớ, bởi vậy xét về mọi phương diện thì tấm bản đồ này chưa khả dụng cho Chúa Trịnh đưa quân vào Đàng Trong mưu việc lớn.(*) Khoảng thời Chính Hoà (năm 1680-1705), Đậu Công Luận giả dạng người đi buôn theo thuyền buôn ra biển, hướng vào Nam ấp ủ dự định vẽ tấm bản đồ cụ thể hơn về đất đai Đàng Trong. Sau nhiều cuộc hải hành suốt một dải từ miền Trung vào miền Nam, ông đã bí mật khảo sát và vẽ thành bản đồ các xứ từ Thuận Quảng trở vào mang tên “Tứ chí lộ đồ” - Bản đồ vẽ đường đi 4 phía. Sau khi hoàn thành, Đậu Công Luận dâng lên Chúa Trịnh hiến kế Nam chinh. Tấm bản đồ do Đậu Bá Công Đạo vẽ từ thế kỷ XVII với dòng chữ "Bãi Cát vàng" - biểu thị quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa do Chúa Nguyễn quản lý (Ảnh tư liệu) Tập "Tứ chí lộ đồ" do Đậu Công Luận vẽ có: 53 phủ, 181 huyện, 49 châu, 14 làng, 8.992 xã, 205 thôn, 335 trang, 451 sách, 43 sở, 442 động, 41 trại. 67 phường, 10 vạn, 8 nhà, 2 tuần, 1 quan, 2 giác, 15 nguyên, 15 châu. Riêng Thuận- Hoá có 02 phủ, 8 huyện, 4 châu, Quảng - Nam có 3 phủ 9 huyện. Trong tập bản đồ này có rất nhiều thông tin về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là bản đồ quần đảo Hoàng Sa. Trong "Tứ chí lộ đồ" có quyển “Đường từ phủ Phụng Thiên đến Chiêm Thành” có phần vẽ và chú giải bằng chữ Nôm về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa như sau: “Ở khu vực Phủ Thăng Hoa và Phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển hình bãi cát kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ với tên gọi Bãi Cát Vàng”. Bãi Cát vàng được ông thể hiện trong bộ Lộ đồ phản ánh cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI, đã mở rộng ra vùng quần đảo ở Biển Đông.. Bãi Cát vàng là tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho 2 quần đảo san hô, chuyển sang âm Hán Việt là "Hoàng Sa", "Hoàng Sa chử". Tên gọi "Hoàng Sa", "Hoàng Sa chử " (chử trong tiếng Hán có nghĩa bãi - PV) được thông dụng trong các văn kiện thời Lê và thời Nguyễn, như trong Đại Nam Thực lục, Đại nam nhất thống chí, Đại nam nhất thống toàn đồ, chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ngày nay. Đây là một tập tài liệu quí giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Theo chúng tôi được biết, hiện “Tứ chí lộ đồ” đang được lưu giữ tại Viện Hán Nôm - là một trong những chứng cứ quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hiện tại, dòng họ Đậu chi Cẩm Nang có trên 200 hộ, tập trung tại 4 xã Thanh Mai, Thanh Giang, Thanh Tùng, Thanh Xuân. Con cháu của dòng họ cần cù hiếu học, hay lam hay làm. Dòng họ hiện có 7 người trình độ trên đại học, có người đỗ đạt giữ chức vụ quan trọng trong quân đội, “còn đại học nhiều không đếm xuể”. Hoàng Lam - Trần Tử Quang Bài viết của Lê Hồng Khánh Trên báo Văn Hóa BẢN ĐỒ QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA VH- Đỗ Bá Công Đạo người làng Bích Triều, huyện Thanh Giang, nay là huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông sống vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII – thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Theo sách Thanh Chương huyện chí, tên ông là Đậu Bá, tự Công Đạo hoặc Công Luận. Đỗ và Đậu là hai cách đọc khác nhau của cùng một con chữ Hán. Thực tế, trong khi hầu hết các địa phương cả nước đọc là Đỗ, thì một số vùng ở Nghệ Tĩnh, trong đó có Thanh Chương, đọc là Đậu. Tuy chưa thật đầy đủ, nhưng những thông tin về thân thế và hành trạng của Đỗ Bá Công Đạo trong Gia phả họ Đậu ở Cẩm Nang (huyện Thanh Chương, Nghệ An) và các sách Thanh Chương huyện chí, Tang thương ngẫu lục (của Nguyễn Án và Phạm Định Hổ) cho thấy ông là một người có thực học, tính tình phóng khoáng, không mặn mà với chốn quan trường, thích phiêu lưu mạo hiểm. Gia phả họ Đậu ở Thanh Chương, phần Phổ hệ chép: “Đậu Công Luận thi trúng giám sinh vào năm đầu niên hiệu Dương Đức, đời Lê Gia Tông (1672), sau được bổ làm Tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan Triều nam...”. Cũng trong Gia phả họ Đậu, mục Đậu tộc tiền nhân kỳ tích (Những kỳ tích của các bậc tiền nhân họ Đậu), có đoạn viết về Đỗ Bá Công Đạo như sau “Họ ta xưa có Đậu Bá, tự Công Luận hoặc Công Đạo, tuổi trẻ đã đậu Hương giải, triều đình gia ơn cho làm giám sinh, nhưng ông không lấy làm mừng. Ông lại là ấm Tử, được bổ làm Tri huyện, huyện Thạch Hà, ông cũng không muốn làm quan...”. Thời kỳ Đỗ Bá Công Đạo sống, chúa Trịnh nuôi ý đồ tiến quân vào Nam đánh bại họ Nguyễn, thu phục đất đai, biển đảo Đàng Trong nên thường bí mật sai người vào do thám, vẽ bản đồ đường đi lối lại. Trong khi đó, ở Đàng Trong, chúa Nguyễn kiểm tra rất gắt gao và gần như cấm hẳn sự qua lại hai bên giới tuyến, đề phòng nguy cơ bị tấn công từ Đàng Ngoài. Năm Chính Hòa thứ 3 (1682), có nhà sư hiệu là Hương Hải trốn từ Đàng Trong ra Thăng Long đã dâng chúa Trịnh một tấm bản đồ, sau này được Lê Quý Đôn đưa vào sách Kiến văn tiểu lục. Nhưng bản đồ đó chỉ mới vẽ vùng Thuận Quảng theo trí nhớ, nên chưa làm thỏa mãn phủ Chúa. Sau đó, Đỗ Bá Công Đạo đã giả dạng khách thương sông Lam, theo thuyền buôn vào Nam, bí mật khảo sát, vẽ bản đồ trên thực địa. Bản đồ “Tự Phụng Thiên chí Chiêm Thành” do Đỗ Bá Công Đạo vẽ và chú giải, có dòng chữ Nôm chỉ định vị trí “Bãi Cát Vàng” Gia phả họ Đậu ở Thanh Chương cho biết, Công Đạo lên đường thời Chính Hòa (1680-1705) nhưng không nói rõ năm nào. Theo suy đoán, chuyến đi của ông phải diễn ra sau khi Hương Hải thiền sư ra Thăng Long, có thể là vào năm Quý Hợi (1683). Sau nhiều chuyến đi vào Nam (kéo dài khoảng 3 – 4 năm, chủ yếu bằng đường biển), Đỗ Bá Công Đạo đã vẽ được bản đồ từ Thuận Quảng trở vào. Về lại Đàng Ngoài, ông mang công trình lên kinh đô, ra mắt Chúa Trịnh, dâng bản đồ và hiến kế Nam chinh. Tập Tứ chí Lộ đồ (Bản đồ vẽ đường đi bốn phía) do Đỗ Bá Công Đạo vẽ năm thứ 7, niên hiệu Chính Hòa (1686) có: 53 phủ, 181 huyện, 49 châu, 14 làng, 8.992 xã, 205 thôn, 335 trang, 451 sách, 43 sở, 442 động, 41 trại. 67 phường, 10 vạn, 8 nhà, 2 tuần, 1 quan, 2 giác, 15 nguyên, 15 châu. Riêng Thuận Hóa có 2 phủ, 8 huyện, 4 châu, Quảng Nam có 3 phủ 9 huyện. Trong Tứ chí lộ đồ có quyển Đường từ phủ Phụng Thiên đến Chiêm Thành (Tự Phụng Thiên chí Chiêm Thành) vẽ và chú giải về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa như sau: “... Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi- cát -vàng. Dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến biển Sa Vinh, mỗi lần có gió tây nam, thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió đông bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn...” Bãi Cát Vàng (ghi bằng chữ Nôm) được Đỗ Bá Công Đạo thể hiện trong bộ Tứ chí lộ đồ phản ánh cương giới xứ Đàng Trong do Chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI, bao gồm cả vùng quần đảo ngoài khơi Biển Đông. Bãi Cát Vàng là tên gọi người Đàng Trong đặt cho 2 quần đảo san hô ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. Từ chữ Nôm, tên gọi Bãi Cát Vàng chuyển sang âm Hán Việt là Hoàng Sa, trong các bộ sách và tài liệu chữ Hán biên soạn thời Nguyễn, như Đại Nam Thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ... Có thể thấy trường hợp tương đồng khi sách Đại Nam nhất thống chí chép địa danh Bến Ván (ranh giới tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi thời nhà Nguyễn) thành Bản Tân, tuy trong thực tế không tồn tại địa danh Hán Việt như trong sách. Như vậy, Bãi Cát Vàng là tên gọi thời trước chỉ chung quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ngày nay. Đây là một chứng cứ quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo này. Báo Văn hóa Lê Hồng Khánh. Ảnh: - Bản đồ quần đảo Hoàng Sa và trường sa. - Nhà thờ Họ Đậu chi Cẩm Nang (Thanh Giang-Thanh Chương-Nghệ An) LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG CÔNG NHẬN DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ THỜ HỌ ĐẬU TRUNG TÔN CHI CẨM NANG, XÃ THANH MAI, HUYỆN THANH CHƯƠNG, TỈNH NGHỆ AN. Ngày 4/9/2012 ( tức nhằm ngày 19 tháng 7 năm Nhâm Thìn ), UBND xã Thanh Mai đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử nhà thờ họ Đậu trung tôn, chi Cẩm Nang, xã thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Mấy ngày qua vùng Nghệ Tĩnh trời mưa tầm tã, theo dự báo thời tiết của đài truyền hình thì ngày 04/9/2012 vẫn tiếp tục mưa cho đến khoảng vài ba ngày tiếp theo. Ban tổ chức buổi lễ do UBND xã Thanh Mai chủ trì và anh em con cháu họ Đậu đang phải chuẩn bị dự phòng tổ chức buổi lễ trong điều kiện thời tiết mưa gió. Khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 4/9 đoàn chúng tôi gồm Ban thường trực Hội đồng gia tộc họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh, Hội đồng họ Đậu tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng họ Đậu thị Xã Cữa Lò, Hội đồng chi họ Đậu Doãn phường Trung Đô thành phố Vinh chuẩn bị trên đường về Thanh Mai thì nhận điện của ông Đậu Bình nhiếp ảnh gia, thuộc Hội đồng họ Đậu huyện Hương Sơn gọi điện hỏi : " trời đang mưa thế này liệu có tổ chức được lễ đón nhận Bằng được không ? ". Ông Đậu Công Tuệ trả lời " Buổi lễ vẫn tiến hành như đã định, rất mong anh em họ Đậu ở Hương Sơn và đặc biệt là ông cùng về giúp đỡ cho buổi lễ thành công tốt đẹp". Sáng hôm nay thật là trời cũng hiểu thấu lòng người, như có tổ tiên phù hộ, ban cho buổi sáng bầu trời mây bay lãng đãng, khí hậu mát mẻ để buổi lễ tiến hành lúc 9 giờ theo đúng chương trình. Tại sân UBND xã các nam nữ thanh niên, các em học sinh, các cụ phụ lão, các anh chị trung niên xã Thanh Mai, cùng con cháu họ Đậu ở khu vực Nghệ Tĩnh ai ai cũng vui vẻ, quần áo tề chỉnh, nghiêm trang xếp hàng trong lễ khai mạc. Mọi người lắng nghe như nuốt lấy từng lời bài diễn văn của UBND xã đọc tại buổi lễ đón nhận Bằng. Diễn văn nêu rõ: Nhà thờ họ Đậu chi Cẩm Nang thờ cụ thủy tổ Đậu Hoàng Văn và vợ là cụ Lê thị người ở huyện Hương Sơn. Năm Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ 6 ( 1634 ) hai cụ cùng các vị họ Trần, họ Nguyễn, họ Phạm đã có công khai cơ kiến ấp lập nên thôn Thị Bàng ( thôn Bích Thị - hay thôn Phuống, xã Thanh Mai). Đến đời thứ sáu, năm niên hiệu Dương Đức, đời Lê Gia Tông ( 1672 ), cụ Đậu Bá Công Đạo ( Đỗ Bá Công Đạo ) tham gia thi hội đỗ hai trường thi, được triều đình gia ân làm giám sinh, rồi sau đó bổ làm tri huyện Thạch Hà. Cụ Đỗ Bá Công Đạo là người thông minh, lại được xuất thân từ lao động, là người từng chứng kiến bao cuộc xâm lấn, giết chóc của giặc Chiêm Thành trên quê hương. Khi được bổ làm quan cụ rất thấu đáo, quan tâm đến cuộc sống của nhân dân. Do vậy mọi việc liên quan đến việc quan, việc công, cụ đều xuất phát vì ý nguyện lòng dân, hết mực lo toan cho dân, giúp dân vượt qua thống khó. Tài năng và đức độ của cụ Đỗ Bá Công Đạo được triều đình ghi nhận và phong tước "Đoan Triều Nam". Vào khoảng năm Chính Hòa ( 1680 - 1705 ) cụ từ quan với ý chí nung nấu quyết tâm sang nước Chiêm Thành xem xét hình thế núi sông, đường biển xa gần. Cụ giả dạng người buôn thông qua cuộc hành trình để khảo sát và vẽ bản đồ từ miền Thuận Quảng trở vào. Khi công việc vẽ bản đồ hoàn thành cụ về ra mắt chúa Trịnh, dâng trình hiến kế "Nam chinh" để trừ họa cho đất nước. Chúa Trịnh xem xong cả mừng và giao tiếp cho cụ vẽ "Tứ chí lộ đồ - Toàn tập bản đồ tứ chí ". Trong bản đồ này, đặc biệt cụ đã vẽ bản đồ về Bãi Cát Vàng ( tức Hoàng Sa, Trường Sa ) chính do cụ khảo sát chi tiết. Bản đồ đã chính thức thể hiện trong cương vực, bờ cõi, đơn vị hành chính, biểu tượng truyền thống xây dựng, bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta. Đó là tấm bản đồ được vẽ lên bằng máu của bao thế hệ tổ tiên, ông cha trong quá trình kiến tạo, mở mang và gìn giữ đất nước. Vào đời thứ 7 có cụ Đậu Công Di là người có sức khỏe, lanh lợi và tài trí hơn người, tự tu tập được võ nghệ rất cao cường, cụ đã tham gia đội ưu binh của Nguyễn Bằng nổi dậy bao vây phủ chúa, phế bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ bị trăm họ oán giận, lập Trịnh Khải lên làm chúa. Ngày 26/02 năm Cảnh Hưng thứ 44 ( 1784 ) cụ Đậu công Di được triều đình xét phong chức" Bá Hộ, Phó Thiên Hộ, tráng tiết tướng quân" ( Hiện nay dòng họ Đậu còn giữ được Sắc phong ). Vào đời thứ 8 có Cụ Đậu Công Bàn là người giỏi địa lý phong thủy đã trình hiến kế sách lên quan lại địa phương việc cần khai thủy vùng đất Bàu Mơ rộng lớn để lấy đất cho dân làm ruộng; cụ dâng kế sách đắp Đập Trẽ lấy nước tự chảy để tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với kế sách cụ Đậu Công Bàn đã dâng, cụ cùng dân địa phương đã khai khẩn được hàng trăm mẫu ruộng mỗi năm cho hai vụ lúa màu xanh tốt, góp phần đưa cuộc sống cho nhân dân được ấm no. Với công lao dâng hiến kế sách và công sức của cụ Đậu Công Bàn rất được nhân dân trong vùng kính trọng, tin yêu. Hôm nay với tấm lòng " uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên tổ " mỗi chúng ta hãy ra sức học tập, làm theo tấm gương các bậc tiên liệt, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ quê hương đất nước mà tổ tiên đã tốn bao xương máu gây dựng nên. Quyết tâm phấn đấu làm giàu cho que hương đất nước. Tiếp sau bài diễn văn, vị Đại diện UBND huyện Thanh Chương trịnh trọng đọc Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An V/v Công nhận di tích lịch sử nhà thờ họ Đậu chi Cẩm Nang, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương. Sau những ý đẹp lời hay phát biểu cảm tưởng của các vị đại diện các tổ chức đoàn thể, dòng họ. Vị Đại diện Ban quản lý di tích tỉnh Nghệ An theo ủy quyền của UBND tỉnh trịnh trọng trao Bằng cho Đại diện UBND, UBMTTQ xã Thanh Mai và đại diện Hội đồng chi họ Đậu Cẩm Nang. Bằng di tích được đặt trang trọng trên kiệu sơn son thếp vàng do các nam nữ thanh niên xã Thanh Mai và con cháu họ Đậu khiêng rước về nhà thờ họ Đậu chi Cẩm Nang. Đoàn rước han hoan trong sắc đỏ phấp phới màu cờ tổ quốc, cờ lễ hội truyền thống, trong tiếng trống, chiêng rộn ràng vang cả một vùng quê. Chúng tôi ai ai trong lòng cũng rất vui và hạnh phúc khi đọc câu khẩu hiệu trang trọng nơi trước nhà thờ" Uống nước nhớ nguồn ", mọi người ai cũng biết dù qua bao cuộc thăng trầm nhưng hậu thế không bao giờ quên công lao, đức độ của các bậc tiền nhân. Tin Đậu Công - Đậu Bình
Facebook Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư họ Đỗ (Đậu) Zalo Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư họ Đỗ (Đậu) 02422123883